Cách xử trí hạ đường huyết tại nhà

1. Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng xảy ra khi nồng độ glucose trong máu quá thấp, dưới 3,9 mmol/l (<70mg/dl) dẫn tới cơ thể bị thiếu hụt glucose cho các hoạt động, gây nên các rối loạn trong cơ thể. Tình trạng hạ đường huyết cần được xử trí nhanh, kịp thời để hạn chế những biến chứng nặng nề do hạ đường huyết gây nên. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến hạ đường huyết liên quan đến điều trị đái tháo đường.

2. Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi

Trên bệnh nhân mắc đái tháo đường, hạ đường huyết có thể xảy ra bởi các nguyên nhân và yếu tố thuận lợi như sau:

Dùng quá liều thuốc.

Tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ

Bệnh nhân ăn uống không điều độ: Ăn quá muộn sau khi tiêm insulin, ăn không đúng bữa, bỏ bữa ăn hoặc ăn quá ít mà vẫn dùng thuốc.

Bệnh nhân lớn tuổi, suy gan, suy thận

Uống rượu

Hoạt động thể lực quá mức…

3. Triệu chứng hạ đường huyết

 

Thường các triệu chứng hạ đường huyết xuất hiện khi mức đường huyết thấp hơn 70mg/dL. Các triệu chứng thường gặp như:

Triệu chứng thần kinh tự chủ: cảm giác đói, lo lắng, bứt rứt, da tái nhợt, vã mồ hôi, run rẩy, tim đập nhanh, hồi hộp, yếu cơ…

Triệu chứng thần kinh trung ương: nhức đầu, nhìn đôi, hoa mắt, lú lẫn, cư xử bất thường, mất tri giác, co giật, hôn mê.

4. Chẩn đoán hạ đường huyết

Đường huyết < 70mg/dl (3,9 mmol/l)

Triệu chứng lâm sàng của hạ đường huyết. Triệu chứng cải thiện khi dùng các chất chứa đường.

5. Cách xử trí hạ đường huyết tại nhà

Khi bị hạ đường huyết, người bệnh cần được điều trị ngay lập tức theo quy tắc 15-15. Cụ thể: nếu người bệnh còn tỉnh táo, cần ăn/uống lượng tương đương 15-20 gam carbohydrate để tăng lượng đường trong máu và kiểm tra sau 15 phút. Nếu đường huyết vẫn dưới 70 mg/dl, tiếp tục dùng một khẩu phần khác. Lặp lại các bước này đến khi lượng đường trong máu ít nhất là 70 mg/dL.

Thức ăn tương đương 15g carbohydrat như: 3 thìa cafe đường pha nước hoặc 1/2 lon coca cola hoặc 1 ly sữa hoặc 5 - 6 viên kẹo. Khi đường huyết về bình thường: cho người bệnh ăn nhẹ ngay để tránh nguy cơ tái xuất hiện hạ đường huyết.

Trường hợp hạ đường huyết nặng, bệnh nhân mất tri giác, hôn mê cần nhanh chóng gọi hỗ trợ, gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị và theo dõi kịp thời.

6. Phòng tránh hạ đường huyết

Để phòng tránh hạ đường huyết, bệnh nhân đái tháo đường cần lưu ý:

Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ. Xin ý kiến bác sĩ khi đã có biểu hiện hạ đường huyết

Ăn uống điều độ theo hướng dẫn, không nên nhịn ăn, ăn quá trễ, đặc biệt là người già, trẻ em…

Thường xuyên kiểm tra đường huyết tại nhà

Chế độ tập luyện đều đặn, phù hợp theo tư vấn của bác sĩ

Luôn mang theo sẵn sản phẩm có đường như bánh kẹo, nước ngọt có đường để có thể dùng ngay nếu bị hạ đường huyết

Hạn chế uống rượu, đặc biệt là uống rượu mà không ăn hoặc ăn ít

Thông báo bệnh đái tháo đường của mình cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp để được hỗ trợ khi cần thiết.

Bệnh viện Nội tiết Quảng Ngãi là bệnh viện chuyên khoa Nội tiết của tỉnh, chuyên khám và điều trị các bệnh lý nội tiết, trong đó bệnh đái tháo đường rất thường gặp. Với phương châm tất cả vì người bệnh, Bệnh viện Nội tiết Quảng Ngãi đã, đang và sẽ luôn nỗ lực trong quá trình thăm khám, điều trị và tư vấn cho bệnh nhân, nhằm mang lại sự hài lòng tối đa cho người bệnh.

Công văn
Video
Thư viện ảnh
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 2
Hôm qua : 38
Tháng 09 : 1.071
Năm 2024 : 11.555